Tết trung thu trên bản Mường

Theo tục lệ, hàng năm, ngày rằm tháng 8, bà con vùng Mường cổ lại nô nức cùng nhau góp công góp của, đồng tâm nhất trí cùng nhau tổ chức lễ tế phụng Thánh Tản Viên Sơn và Đức Mẫu sinh ra Ngài.

Theo quan niệm của người Mường, họ thường thờ cúng những vị thần, thánh, có thể là thần Đất, thần Nước, tổ tiên hoặc người có công lao dựng làng, dựng mường… Lễ hội Thánh Mẫu là một sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh sâu sắc của cộng đồng Mường. Trải bao thăng trầm của lịch sử, nét đẹp văn hoá tâm linh ấy của người Mường cổ đã bị gián đoạn và mai một.

 
Đội tế nam làm lễ trình Đức Thánh Mẫu

Với tâm nguyện sáng trong như vầng nhật nguyệt, được sự quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương cũng như sự nhiệt tình hưởng ứng tham gia của nhân dân trong vùng, ngày 12/9 (ngày 15/8 âm lịch – Rằm Trung thu) đồng bào vùng Mường cổ (Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) đã cùng nhau phục dựng Lễ hội Thánh Mẫu.

Việc tổ chức phục dựng Lễ hội độc đáo này nhằm khơi lại truyền thống văn hoá cổ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá tâm linh truyền thống của nhân dân dân tộc Mường thôn Yên Cư (nay là Yên Hồng), xã Tản Lĩnh. Đây cũng là việc làm nhằm tôn vinh Đức Thánh Mẫu – người đã sinh thành Tản Viên Sơn Thánh, một trong tứ bất tử của xứ Văn Lang.

Lễ hội còn là dịp để người dân xứ Mường tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh; là nơi để con người cầu mong cho xóm làng yên vui, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển; là nơi gặp gỡ, giao lưu, gạt bỏ những lo toan, vất vả trong cuộc sống thường nhật, để thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.

Lễ hội được bắt đầu bằng Lễ rước nước, sau đó đến phần đội tế nam làm lễ trình Đức Thánh Mẫu (gồm các nghi thức Dâng lễ xôi oản, Dâng đèn hương, Dâng rượu, Dâng trầu cau và Dâng Trúc thư) trước khi rước kiệu Mẫu và hai Cô (hai con gái của Đức Thánh Mẫu) xuống sân đền để chuẩn bị làm lễ rước kiệu.

Đúng giờ đã định, Lễ rước kiệu Mẫu và hai Cô được tiến hành rất mực nghiêm cẩn. Bách gia trăm họ tháp tùng Đoàn rước đi vòng quanh khuôn viên đền, qua hồ Giải bệnh, hồ Tích thuỷ (Tứ Long), sân chùa Hoàng Long Báo Ân rồi trở về sân đền Đức Thánh Mẫu.


Cồng chiêng không thể thiếu trong các lễ hội của người Mường

Lễ hội Thánh Mẫu của đồng bào xứ Mường diễn ra đúng nhằm ngày Rằm Trung thu, chính vì thế, cũng trong buổi phục dựng Lễ hội phụng Thánh và Đức Mẫu sinh ra Ngài, những người đứng ra tổ chức đã kết hợp với Đêm hội Trung thu với chủ đề “Thánh Mẫu Hội đăng – Thu đồng con cháu”. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện tình yêu thương của những bậc sinh thành, động viên con cháu tích cực học tập, phấn đấu, cùng nhau xây dựng vùng Mường cổ mỗi ngày phồn thịnh, đậm đà bản sắc văn hoá xứ Tản Viên Sơn.

Lễ hội dân gian truyền thống của người Mường dù ở mỗi vùng khác nhau nhưng đều có một nét chung là phản ánh nét đẹp của cộng đồng dân tộc hướng về cội nguồn và thể hiện quan niệm sống, ý nghĩa tâm linh của họ. Việc phục dựng và phát huy những lễ hội dân gian truyền thống là việc làm cần thiết, góp phần gìn giữ và phát huy những nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mường, đồng thời thúc đẩy tiềm năng để giới thiệu cho những người anh em các dân tộc khác nhau biết về hình ảnh con người và vùng đất xứ Mường.