CỒNG CHIÊNG TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI MƯỜNG, HÒA BÌNH

Có thể nói, cồng chiêng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi trong lao động, sinh hoạt đời thường; trong quyền lực của lang đạo xưa và trong lễ nghi tín ngưỡng phong tục, trong suốt cuộc đời người Mường từ khi sinh ra đến khi về với Mường ma.

Không gian văn hóa cồng chiêng Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ. Dù chưa có công trình nghiên cứu về việc chế tác chiêng của người Mường nhưng từ xa xưa, họ đã biết thổi hồn cho cồng chiêng, sáng tác được các bản nhạc và tạo ra những phương thức đánh chiêng phù hợp với tính cách, tâm lý đặc trưng của dân tộc.

Một bộ cồng chiêng hoàn chỉnh có 12 chiếc, chia đều ra làm 3 bộ (chiêng dàm, chiêng bồng, chiêng tlé), ngoài ý nghĩa âm nhạc còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm. Chiêng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi trong lao động, sinh hoạt đời thường; trong quyền lực của lang đạo xưa và trong lễ nghi tín ngưỡng phong tục, trong suốt cuộc đời người Mường từ khi sinh ra đến khi về với Mường ma. Chiêng còn là dụng cụ thông tin liên lạc, báo hiệu, phát lệnh khi bản làng có cướp bóc, giặc giã để tập hợp nhân dân cùng đoàn kết bảo vệ sự bình yên.

     
     ( Hình ảnh Cồng Chiêng của dân tộc Mường tại Bếp Mường Quán )

Cồng chiêng gắn bó với người Mường không chỉ để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc mà có vai trò lớn trong lao động, sản xuất. Trong khi trống đồng là loại vật linh được coi là quyền sở hữu của tầng lớp lang đạo lớn xưa thì cồng chiêng chiếm lĩnh, lan tỏa trong không gian rộng lớn, in sâu, hòa đậm trong mỗi bản làng, gia đình một cách dung dị.


    ( Hình ảnh Cồng Chiêng của dân tộc Mường tại Bếp Mường Quán )

Người Mường có tới 24 lễ hội có sử dụng cồng chiêng như lễ mừng nhà mới, thành hôn, khai hạ… Nếu cồng chiêng Tây Nguyên người đánh chủ yếu là nam giới thì với người Mường là nữ giới. Nhiều tài liệu ghi lại, trước đây, người Mường đã sử dụng tới trên 1.000 cô gái với phương thức hòa tấu, trình diễn trên 1.000 chiếc chiêng. Âm nhạc nền nếp, sôi động, giai điệu hòa thanh chuẩn mực, động tác, đội hình chuyển động thướt tha, giàu mỹ cảm.

Ngày nay, với phương thức trình diễn linh hoạt, cởi mở, từ dàn chiêng nhỏ tới dàn chiêng hoành tráng hàng ngàn chiếc phối hợp với nhiều hình thức khác tạo nên nền âm nhạc, không gian văn hóa cồng chiêng đương đại.

Không gian văn hóa cồng chiêng Mường hình thành, phát triển là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, quý giá trong nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Nó có giá trị cao, nâng đỡ sự cộng cảm, bồi dưỡng tinh thần cộng đồng và lòng tự hào dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt đối với mảnh đất, con người Hòa Bình.